– Tại sao bản thân đã rất nỗ lực nhưng đầu óc lúc nào cũng trống rỗng?
– Tại sao lúc mới học từ mới thì nhớ, nhưng vài hôm sau thì lại quên sạch?
– Rõ ràng khi người khác dùng từ đó thì mình hiểu đấy, nhưng tại sao đến mình lại không sử dụng được?
Nếu mọi người đang rơi vào một trong những trạng thái trên, thì IELTS Chị Giáo hi vọng các bạn sẽ tìm được câu trả lời của mình trong bài viết này.
I- Space repetition (lặp lại ngắt quãng) và active recall (chủ động gợi nhớ) là gì?
1. Space repetition: Đây là phương pháp được phát triển dựa trên nghiên cứu Đường cong của sự quên lãng. Đương cong này thể hiện khi mới học thì não bộ sẽ nhớ thông tin ngay, nhưng thời gian càng dài thì kiến thức của chúng ta sẽ rơi rụng dần. Space repetition giúp người học gợi lại kiến thức đã phai mờ thông qua việc ôn lại những kiến thức đó.
Trọng tâm của phương pháp này là ‘cách quãng’. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu chúng ta ngày nào cũng ôn tập các kiến thức giống nhau thì dễ tạo cảm giác mệt mỏi, chán nản. Đồng thời, não bộ sẽ không có thời gian để lưu trữ thông tin.
2. Active recall: Khi tiếp xúc với những kiến thức mới, não bộ thường có xu hướng ghi nhớ và cất giữ ‘ở đâu đó’ trong đầu, nhưng đến khi cần thì lại rơi vào trạng thái không biết thông tin nằm ở đâu để ‘gọi’ ra. Phương pháp Active recall giúp não bộ luyện tập khả năng ghi nhớ, đánh dấu và gọi thông tin ra lúc cần thiết.
Trọng tâm của phương pháp này là ‘chủ động’. Đối với phương pháp gợi nhớ chủ động, chúng ta cần phải tích cực tạo ra những thử thách cho não bộ để kiến thức được đọng lại trong đầu lâu hơn.
II- Cách thực hiện
1. Sử dụng Flashcard
Bước 1: Khi học từ mới, từ nào khiến các bạn cảm thấy khó nhớ, hãy ghi vào flashcard. Một mặt sẽ ghi từ mới, mặt còn lại ghi nghĩa, cách phát âm hoặc ví dụ. Lưu ý: chỉ ghi những từ chưa nhớ, chưa hiểu. Vì active recall chỉ hiệu quả nhất khi chúng ta tạo thử thách cho não bộ.
Bước 2: Sau khi đã có flashcard, bắt đầu chia chúng theo các ngăn:
Ngăn đầu tiên: Những tấm thẻ mới , chưa thuộc
Ngăn thứ hai: Những tấm thẻ cần ôn luyện hàng ngày để nhớ kĩ hơn
Ngăn thứ ba: Những tấm thẻ sẽ review lại sau 3-4 ngày
…………………..
Cứ làm như vậy cho đến khi các từ vựng này được xếp vào phần trí nhớ dài hạn. Có đôi khi, sẽ có những thẻ flashcard phải quay về vị trí ban đầu, nếu như chưa nhớ rõ.
2. Sử dụng mindmap
Vẽ bản đồ tư duy sẽ rất tốt cho việc nhớ các từ vựng trong cùng một “gia đình” và các collocation. Ví dụ: help- helper-helpful- helpless.
Lưu ý: Mindmap chỉ thích hợp với những bạn đã có lượng từ vựng nhất định vì active recall sẽ hiệu quả nhất khi chúng ta tạo ra thử thách cho não bộ.
Bước 1: Không dựa vào bất kỳ tài liệu tham khảo nào, tự vẽ ra bản đồ mindmap của ‘family words’ hoặc từ gốc để tạo nên các collocations.
Bước 2: Kiểm tra lại dữ liệu, sửa lại nếu cần thiết
Bước 3: Áp dụng phương pháp lặp lại ngắt quãng (cách 2-3 ngày thì ôn tập lại một lần) và chia ngăn cho các kiến thức này. Ôn tập cho đến khi ghi nhớ hoàn toàn.
Warning:
Để đạt hiệu quả tối đa, các em nên luyện tập kết hợp hai phương pháp này hàng ngày. Có thể 10-15 phút mỗi ngày hoặc có thể kéo dài từ 1-2 tiếng. Nhưng điều quan trọng xin nhắc lại ba lần ‘ Thực hành mỗi ngày! Thực hành mỗi ngày! Thực hành mỗi ngày!
IELTS Chị Giáo tin chắc rằng những ai đọc đến đây, đều là những bạn đang không ngừng nỗ lực trên con đường cải thiện tiếng Anh của mình. Chúc các em luôn giữ được động lực và nhiệt huyết trên con đường xoá mù tiếng Anh.